Sunday, September 29, 2013

Mời thảo luận về Tuyên bố 258 trong tinh thần dân chủ đa nguyên

Ngày 18/7/2013, Tuyên bố 258 ra đời với chữ ký của hơn 100 blogger Việt Nam công khai danh tính. Trong thời gian ngắn ngủi này, các đại diện của Mạng lưới Blogger Việt Nam cũng đã tiếp xúc với Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (OHCHR), các đại sứ quán Mỹ, Thụy Điển, Australia, Đức, Phái đoàn EU và G4, cùng nhiều tổ chức quốc tế về nhân quyền và truyền thông. 

Những việc làm này nhằm để vận động:

- Nhà nước Việt Nam xem xét việc hủy bỏ Điều 258 của Bộ luật Hình sự để chứng tỏ cam kết và đóng góp của mình cho việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền;

- Các thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thúc đẩy Nhà nước Việt Nam thực hiện điều trên trong thời gian vận động tranh cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

- Nhà nước Việt Nam thể hiện các cam kết về nhân quyền để Việt Nam có thể là một ứng cử viên xứng đáng, tạo điều kiện cho các thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đánh giá các cam kết nhân quyền của Nhà nước Việt Nam. Việc bãi bỏ Điều 258 phải là một trong các cam kết đó. 

Những hoạt động vận động này đã được sự đồng tình và hưởng ứng của nhiều công dân Việt Nam. Sự quan tâm cao của quốc tế và việc các cơ quan, đại sứ quán, tổ chức đã gặp và nhận Tuyên bố 258 là một minh chứng cụ thể.

Tuy nhiên, ngược lại, những vận động này cũng đã gặp phản ứng bất đồng từ một số người. Điển hình là những bài viết, lời kêu gọi:

- Từ tiếm danh đến loạn ngôn, lộng ngôn và... lừa bịp! của tác giả Vũ Hợp Lân trên báo Nhân Dân;

- Tự do ngôn luận và các giới hạn về tự do ngôn luận của tác giả Vũ Văn Tính trên báo Nhân Dân;




Tạm thời bỏ qua những cách nhìn, cách viết dùng các từ như tiếm danh, loạn ngôn, lộng ngôn, lừa bịp, tạm thời chưa phân tích các phán xét, tấn công cá nhân, hoặc lối quy chụp như mạo danh, phản bội lợi ích dân tộc, lừa bịp dư luận, cầu viện nước ngoài, sỉ nhục quốc gia... Nhìn về mặt tích cực, có thể nói những phản ứng không đồng ý với Tuyên bố 258 là một hình thái tự nhiên, nên có trong một xã hội dân chủ, đa nguyên.

Tuyên bố 258Phản bác Tuyên bố 258 cho thấy bước khởi đầu để tiến đến một sinh hoạt đa nguyên trong một xã hội mà thường để giải quyết những bất đồng quan điểm thì việc viện dẫn những điều luật mơ hồ như Điều 258 để bắt bớ lại là phương thức hay được sử dụng nhất.

Để góp phần xây dựng nền tảng cho xã hội đa nguyên ấy, để làm sáng tỏ mọi góc cạnh, quan điểm khác nhau, và quan trọng hơn cả là để cổ vũ sự công khai, đường hoàng, minh bạch và ứng xử văn minh, chúng tôi, những người ký tên trong bức thư mới này, với địa chỉ, chữ ký, người thật đang sống tại Việt Nam, đề nghị:

- Tác giả Vũ Hợp Lân, Vũ Văn Tính, Đông La và những người chủ xướng Phản bác Tuyên bố 258 cùng chúng tôi tranh luận về Tuyên bố 258 cũng như Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

- Nếu đồng ý, xin mời các bạn cử đại diện để cùng với đại diện của của Mạng lưới Blogger Việt Nam thảo luận và đồng ý với nhau về thời gian, địa điểm và những nguyên tắc điều hành thảo luận.

- Báo Nhân Dân, nơi đã đăng bài viết của ông Vũ Hợp Lân và cũng là "Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân Dân Việt Nam" như đã xưng danh dưới nhãn hiệu của báo, tham dự và đưa thông tin trung thực.

- Các cơ quan truyền thông của Đảng Cộng sản và Nhà nước đồng đăng tải Tuyên bố 258Phản bác Tuyên bố 258 để nhân dân được biết và có một cái nhìn khách quan.

- Bất kể ai quan tâm đều có thể đến tham dự, tự do ghi hình buổi tranh luận và công bố trên mạng truyền thông xã hội.

Trong tinh thần "nhân dân làm chủ" và mỗi công dân đều có quyền lên tiếng về mọi vấn đề liên quan đến đất nước; trong ước muốn xây dựng nền tảng cho một xã hội thực sự dân chủ và đa nguyên; và trong việc phát huy tính quang minh chính đại, công khai, người thật việc thật, chúng tôi tin rằng những đề nghị trên sẽ được đáp ứng và trả lời trên báo Nhân Dân và những trang web, blog của những cá nhân liên quan.

Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được hồi đáp trước ngày 5 tháng 10 năm 2013.

Để chuẩn bị cho cuộc tranh luận, các bạn có thể liên hệ với Mạng lưới Blogger Việt Nam qua email tuyenbo258@gmail.com hoặc qua comment vào trang blog của Mạng lưới Blogger Việt Nam tại địa chỉ tuyenbo258.blogspot.com.


Đồng ký tên:

1. Nguyễn Hoàng Vi - 107/22 Phan Văn Năm, P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú, Sài Gòn

2. Huỳnh Thục Vy - Tổ dân phố Tân Hà 2, P. Thống Nhất, Thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk

3. Trịnh Kim Tiến - 288 Tô Hiến Thành, P. 15, Q.10, Sài Gòn

4. Đặng Bích Phượng - P. 1002 - N06, Dịch Vọng, KĐT Mới, Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội

5. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - 24 Đặng Tất, Vĩnh Phước, Nha Trang

6. Hoàng Thị Hà - 358/25/3, Phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội

7. Phạm Thanh Nghiên - 17 Liên khu Phương Luu, P. Đông Hải 1, Q. Hải An, Hải Phòng

8. Nguyễn Tường Thụy - 11 Cụm Quỳnh Lân, Xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội

9. Nguyễn Chí Tuyến - Tổ 2 Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội

10. Võ Trường Thiện - 2A, Nguyễn Thị Định, Nha Trang

11. Lã Việt Dũng - 14 Ngõ 26, Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội

12. Vũ Sỹ Hoàng - 20, Đường số 4, Tổ 5, Kp 3, P. Linh Xuân, Q. Thủ Đức, Sài Gòn

13. Nguyễn Văn Viên - 33, Ngõ 132, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội

14. Nguyễn Hồ Nhật Thành - 288 Tô Hiến Thành, P. 15, Q.10, Sài Gòn

15. Lê Hồng Phong - 2, Ngõ 560, Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội

16. Nguyễn Đình Hà, 50 Hàng Tre, Hoàn Kiếm, Hà Nội

17. Châu Văn Thi - 180 /1 KP4, Trần Xuân Soạn, P. Tân Hưng, Q. 7, Sài Gòn

18. Lê Văn Dũng - 54, Hà Trì 3, Hà Đông, Hà Nội

19. JB Nguyễn Hữu Vinh - 9, Ngách 21, Ngõ 111, Đường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội

20. Khổng Hy Thiêm - Suối Tân - Cam Lâm - Khánh Hoà

Friday, September 20, 2013

Trao đổi về nhân quyền với đại diện G4

Add caption
Tiếp tục “hành trình” đem Tuyên bố 258 đến các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện ngoại giao ở Việt Nam, vào 10h sáng 20/9, Mạng lưới Blogger Việt Nam đã gặp gỡ một số quan chức của các nước thuộc G4 – nhóm bốn quốc gia tài trợ nhiều cho Việt Nam, gồm Nauy, Thụy Sĩ, Canada, New Zealand.

Bốn blogger tham dự cuộc họp là Trịnh Anh Tuấn (tên Facebook: Gió Lang Thang), Đào TrangLoan (Hư Vô), Nguyễn Chí Tuyến (Anh Chí), Đặng Bích Phượng (Phương Bích). Còn phía G4 gồm các nhà ngoại giao: bà Tone Wroldsen - Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nauy, bà Ayesha Rekhi - Tham tán Chính trị và Văn hóa Thông tin của Đại sứ quán Canada, và bà Sascha Muller - Bí thư thứ hai Đại sứ quán Thụy Sĩ. Đặc biệt, giữa buổi làm việc, ông Stale Torstein Risa – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nauy tại Việt Nam – cũng đã đến gặp các blogger, trò chuyện và nhận bản Tuyên bố 258.

Phát biểu với các quan chức ngoại giao này, blogger Nguyễn Chí Tuyến nói: “Những người tham gia Mạng lưới Blogger Việt Nam không có ý chống đối Nhà nước Việt Nam mà chỉ muốn đóng góp tiếng nói để Nhà nước thay đổi luật pháp cho tốt hơn. Thế giới văn minh cũng không chấp nhận một điều luật mơ hồ và lỗi thời như Điều 258 Bộ luật Hình sự”.

Cụ thể hơn, blogger Nguyễn Chí Tuyến khẳng định: “Chúng tôi biết rằng mỗi quốc gia đều có những đạo luật để điều chỉnh những hành vi của công dân. Tất cả các công dân đều có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp của nước mình, tuy nhiên, Điều 258 Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam là rất mơ hồ, không cụ thể và không rõ ràng. Qua bản kết luận điều tra của công an tỉnh Long An về trường hợp ông Đinh Nhật Uy, chúng tôi thấy rõ là bất kỳ ai cất lên tiếng nói khác với tiếng nói của chính quyền đều có nguy cơ bị bắt vào tù. Phạm vi áp dụng của Điều 258 quá rộng và chúng tôi có cảm giác nó như tấm lưới có để chính quyền có thể chụp xuống chúng tôi bất kỳ lúc nào”.

Đại diện Mạng lưới Bloggers Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho ông Stale Torstein Risa, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Nauy tại Việt Nam.

Phía đại diện các nước G4 đều lắng nghe và ghi nhận ý kiến của thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam. Trong số bốn quốc gia này, Nauy là nước đặt vấn đề nhân quyền ở mức ưu tiên cao nhất trong quan hệ với Việt Nam. Các dự án hợp tác giữa giới nghiên cứu của hai nước là một phần quan trọng trong đối thoại nhân quyền Việt Nam - Nauy. Từ năm 2008, Trung tâm Nhân quyền Nauy (thuộc Khoa Luật, Đại học Oslo) cũng đã thực hiện Chương trình Việt Nam (the Vietnam Program), phối hợp đào tạo về luật với Việt Nam. 

Wednesday, September 11, 2013

EU quan tâm đến quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam


Tường thuật chi tiết về cuộc gặp của Mạng lưới Blogger Việt Nam với đại diện Phái đoàn EU, chiều tối 10/9 tại Hà Nội. Cuộc gặp này diễn ra trước thềm phiên đối thoại nhân quyền 2013 giữa EU và Việt Nam.

Tham dự là các quan chức cấp cao của Phái đoàn EU tại Việt Nam và Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS, tương đương với một Bộ Ngoại giao chung của EU): Bà Véronique Arnault, Giám đốc phụ trách nhân quyền của EEAS; bà Delphine Malard, Cố vấn thứ nhất, phụ trách Ban Chính trị, Báo chí và Thông tin; bà Rose Ieremia, Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam. (Hy Lạp cùng với Ireland và Litva giữ chức chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu nhiệm kỳ 2013-2014)… Phía Việt Nam có bốn blogger: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Mẹ Nấm), Nguyễn Chí Tuyến (Anh Chí), Nguyễn Tường Thụy, Châu Văn Thi (Yêu Nước Việt).

Các blogger đại diện Mạng lưới tham dự cuộc gặp với phái đoàn EU đặc trách nhân quyền :blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh [Mẹ Nấm], nhà văn Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Chí Tuyến [facebooker Anh Chí], Châu Văn Thi [facebooker Yêu Nước Việt] (từ trái qua)





Bắt giữ tùy tiện – vấn đề lớn đối với nhân quyền ở Việt Nam

Các blogger nêu rõ mục đích của cuộc gặp là để trao Tuyên bố 258, trong đó “điều đầu tiên đưa blogger lại với nhau là việc chính quyền bắt giữ tùy tiện người viết blog”. Ba trường hợp mới đây nhất bị bắt giữ là Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào Đinh Nhật Uy, trong đó công an vừa có kết luận điều tra về vụ án Đinh Nhật Uy. Bản kết luận này cho thấy bất kỳ ai dùng blog hay mạng xã hội để nói lên chính kiến của mình đều có thể bị bắt.

Blogger Mẹ Nấm cũng bày tỏ mối lo ngại chung của các blogger, rằng trong lộ trình Việt Nam gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, hành động đàn áp sẽ ngày càng gia tăng với những điều luật như 258. Blogger Nguyễn Tường Thụy nêu rõ, trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, có ba điều luật rất mơ hồ mà chính quyền có thể “lợi dụng” để trấn áp công dân: Điều 79, 88 và 258. Xu hướng chung là Điều 258 sẽ được sử dụng nhiều hơn, và đó là lý do các blogger ra Tuyên bố 258 kêu gọi Chính phủ xóa bỏ điều luật này.

“Họ muốn những người viết blog chỉ giữ suy nghĩ của mình trong đầu thôi, chứ đừng chia sẻ ra cộng đồng” – blogger Mẹ Nấm nói. Cô từng nhiều lần “được” nhắc nhở hoặc mời làm việc vì các bài viết trên blog của mình, nhất là về những vấn đề như biểu tình, tranh chấp biển đảo, v.v.

Blogger Nguyễn Chí Tuyến (tên Facebook: Anh Chí) phản ánh, công an có rất nhiều hình thức hạch sách, quấy nhiễu khác nhau, bao gồm cả sử dụng bạo lực lẫn các biện pháp “nhẹ nhàng” như hỏi thăm, gây sức ép lên hoạt động kinh doanh và tác động vào gia đình, họ hàng.'

Đại diện Mạng lưới Blogger Việt Nam trình bày tình hinh nhân quyền Việt Nam với phái đoàn EU
EU quan tâm đến quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam

Thay mặt cho các quan chức của Phái đoàn EU và Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu, bà Véronique Arnault phát biểu: “Trước hết, cá nhân tôi rất mong các bạn không gặp vấn đề gì sau cuộc gặp này (cười). Tôi muốn khẳng định với các bạn rằng EU luôn tôn trọng tự do ngôn luận và đang tích cực thúc đẩy quyền này, đặc biệt là tự do Internet. Đó là lý do tại sao chúng tôi nêu trường hợp Việt Nam tại khóa họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Chúng tôi muốn tập trung vào giới blogger, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác nữa”.

Bà nói rõ: “Tại các cuộc tiếp xúc, chúng tôi đều đưa vấn đề này ra với Chính phủ Việt Nam, và đây cũng sẽ là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự ngày mai (Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam, ngày 11/9) của chúng tôi với phía Việt Nam. Năm ngoái, Chính phủ của các bạn nói rằng họ không chống lại các blogger, và nếu có thì đó là các trường hợp vi phạm Bộ luật Hình sự. Họ không cho biết thêm chi tiết”.

Tuy nhiên, theo bà Véronique Arnault, EU đã có những quy định mang tính hướng dẫn về tự do ngôn luận, tự do Internet, thống nhất chung cho các nước thành viên cũng như cho phái đoàn EU tại tất cả nước quốc gia ngoài EU. Ngoài ra, khi đưa vấn đề tự do ngôn luận ra với Chính phủ Việt Nam, EU cũng căn cứ vào Điều 19 và một số điều khác của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam đã ký kết.

“Song, cam kết của Việt Nam trong Báo cáo Kiểm điểm Định kỳ (UPR) năm 2009 về tự do ngôn luận là rất hạn chế, và ngay cả Tuyên ngôn Nhân quyền của ASEAN gần như không nhắc đến quyền tự do ngôn luận” – Giám đốc Nhân quyền của “Bộ Ngoại giao chung” của châu Âu cho biết. “Do đó chúng tôi đang gắng hết sức thúc đẩy quyền này, vì chúng tôi nghĩ sẽ là không tốt cho xã hội nếu những người muốn phát biểu ý kiến một cách ôn hòa lại không được phép phát biểu, nhất là khi Việt Nam muốn trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc”.

Cụ thể hơn, bà Véronique Arnault cho biết, trong cuộc đối thoại nhân quyền ngày 11/9, một trong những điều EU sẽ yêu cầu phía Việt Nam thực hiện là trình bày các cam kết của mình trong hồ sơ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền.

“Thay đổi phải đến từ bên trong”

Vị giám đốc phụ trách nhân quyền của EEAS cũng có một ý kiến làm “nhẹ lòng” các blogger: “Bạn có nói là nếu Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thì tình hình sẽ ngày càng xấu đi, đàn áp sẽ gia tăng, nhưng tôi không chắc chắn là sẽ như vậy. Chúng tôi rất tin rằng thay đổi đến từ bên trong. Chúng ta phải ghi nhận một từ tại Việt Nam mà người ta ngại nói đến là xã hội dân sự”.

Ngoài Tuyên bố 258, nhóm blogger cũng trao cho Phái đoàn EU bản báo cáo kết luận điều tra của công an Long An về Đinh Nhật Uy. Phía EU khẳng định “đã lắng nghe rất kỹ các thông tin từ blogger và sẽ đưa ra trong cuộc đối thoại nhân quyền với Chính phủ Việt Nam”.

Cuối buổi gặp, bà Véronique Arnault không quên dặn các blogger: “Hãy báo cho chúng tôi biết, nếu như các bạn gặp bất kỳ vấn đề gì vì cuộc gặp này”.


Tuesday, September 10, 2013

Gặp Phái đoàn EU trước thềm đối thoại nhân quyền

Đại diện Mạng lưới Blogger Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho bà Veronique Arnault, đại diện Phái đoàn EU sang dự phiên Đối thoại Nhân quyền 2013 với Việt Nam.
Chiều ngày 10/9, 4 thành viên của Mạnglưới Blogger Việt Nam đã có cuộc gặp với đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam để đưa bản Tuyên bố 258 và trao đổi về tình hình nhân quyền trong nước. Đáng chú ý là cuộc gặp này diễn ra ngay trước phiên đối thoại nhân quyền 2013 giữa EU và Việt Nam.

Véronique Arnault, Giám đốc phụ trách nhân quyền của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS, tương đương với một Bộ Ngoại giao chung của EU), vừa đến Hà Nội để bắt đầu đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam. Đối thoại nhân quyền năm nay diễn ra vào ngày 11/9, và bà đã dành riêng cho các blogger thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam một cuộc gặp chính thức.

Tham dự cuộc gặp, ngoài bà Véronique Arnault, còn có một số quan chức cấp cao của EU: bà Delphine Malard, Cố vấn thứ nhất, phụ trách Ban Chính trị, Báo chí và Thông tin; ông Juan Jose Almagro Herrador, cố vấn Ban Chính trị, Báo chí và Thông tin; ông Konstantin Von Mentzingen, quan chức về Việt Nam và Đông Nam Á; và bà Rose Ieremia, Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam. (Hy Lạp cùng với Ireland và Litva giữ chức chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu nhiệm kỳ 2013-2014).

Phó Đại sứ Thụy Điển Elenore Kanter, người từng tiếp các blogger Việt Nam trong cuộc gặp “nghẹtthở” ngày 7/8 khi 5 blogger phải khó khăn lắm mới qua được hàng rào an ninh để vào Đại sứ quán, cũng tham dự.

Phía Mạng lưới Blogger Việt Nam có 4 blogger với đầy đủ đại diện từ ba miền đất nước: NguyễnTường Thụy, Nguyễn Chí Tuyến (Hà Nội), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm, ở Nha Trang), Châu Văn Thi (blogger Yêu Nước Việt, ở Sài Gòn).
Mạng lưới Blogger Việt Nam sẽ có bài tường thuật chi tiết về cuộc gặp này với Phái đoàn EU.
Đại diện Mạng lưới blogger Việt Nam và phái đoàn EU trao đổi về tình hình nhân quyền Việt Nam
Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam

EU tổ chức đối thoại định kỳ về nhân quyền với hơn 30 nước ngoài EU. Mỗi cuộc đối thoại đều được tiến hành căn cứ vào Nguyên tắc chung của EU về đối thoại nhân quyền.

Các vấn đề đưa ra trong mỗi cuộc đối thoại được quyết định theo từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, một số vấn đề thuộc diện ưu tiên thì sẽ luôn ở trong chương trình nghị sự của mỗi cuộc đối thoại. Đó là việc ký, phê chuẩn và thực hiện các công ước nhân quyền quốc tế, hợp tác với các thủ tục và cơ chế nhân quyền quốc tế, chống tra tấn, xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử, bảo đảm quyền trẻ em, quyền phụ nữ, tự do biểu đạt và vai trò của xã hội dân sự.

Tham gia đối thoại là các quan chức nhà nước về nhân quyền, bao gồm cả đại diện từ các cơ quan chức năng như quốc hội, bộ tư pháp, bộ nội vụ, công an, thi hành án, v.v. Đối thoại giữa EU và các tổ chức xã hội dân sự ở nước sở tại thường diễn ra song song, bên lề những cuộc đối thoại cấp nhà nước.

Ngay sau cuộc gặp với Mạng lưới Blogger Việt Nam, Phái đoàn EU đã tiếp tục gặp gỡ (không chính thức) một số quan chức, để chuẩn bị cho đối thoại  nhân quyền chính thức vào ngày 11/9.